Singapore tuyên bố trong năm 2015 sẽ ra những quy định mới để quản lý các dịch vụ ứng dụng đặt xe taxi như Uber.
Cục giao thông đường bộ của Singapore (LTA) vừa đưa ra khung quy định nhằm "bảo vệ lợi ích và sự an toàn của người đi xe taxi" trước sự phổ biến ngày càng mạnh mẽ của các ứng dụng như Uber, Hailo, GrabTaxi và Easy Taxi. Các quy định mới này có thể sẽ có hiệu lực trong nửa đầu của năm sau.
Singapore là một quốc gia tương đối nhỏ, với số dân khoảng 5 triệu người, nhưng có gần 30.000 xe đăng ký kinh doanh dịch vụ taxi, ngoài ra việc sở hữu xe hơi riêng tại Singapore khá đắt đỏ.
Khung quy định mới có thể không gây nhiều biến động cho các hãng taxi hiện nay. Theo khung quy định mới này, tất cả các dịch vụ ứng dụng đặt taxi của bên thứ ba sẽ phải tuân thủ các điều kiện sau:
- Đăng ký dịch vụ với LTA.
- Chỉ phân phát lệnh đặt chỗ cho những xe taxi đã được cấp phép.
- Mọi lái xe phải có Giấy phép hành nghề taxi hợp pháp.
- Cung cấp giá cước vận tải rõ ràng.
- Dịch vụ đặt xe taxi không được yêu cầu hành khách phải thông báo rõ hành trình trước khi đặt chỗ.
- Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khách hàng cho hành khách.
Như vậy, theo quy định này, tất cả các dịch vụ đặt xe taxi thứ ba đều phải đăng ký với LTA mới được phép hoạt động, và chỉ những lái xe có giấy phép mới được cấp chứng nhận đăng ký hiệu lực trong 3 năm. Các dịch vụ đặt xe cũng phải đảm bảo hành khách sẽ được hãng taxi và lái xe taxi hoạt động hợp pháp phục vụ. Các dịch vụ đặt xe cũng phải cung cấp trước cho hành khách tất cả thông tin về cước phí, phụ phí và mức phí phải trả cho hành trình – bao gồm cả trong thời gian cao điểm và số tiền tính thêm theo địa điểm.
"Các quy định mới này dự kiến sẽ có hiệu lực vào quý II/2015 sau khi hoàn thành mọi thủ tục pháp lý cần thiết, song các dịch vụ đặt xe taxi và các công ty taxi được khuyến khích chuẩn bị để tuân thủ theo những quy định này", LTA nói.
Theo bình luận của trang Tech Crunch, có một điều khoản có thể gây khó khăn cho các ứng dụng taxi như Uber, GrabTaxi và Easy Taxi. Đó là điều khoản quy định hành khách không phải tiết lộ hành trình dự kiến của họ khi đặt xe. Theo công bố của LTA, mọi dịch vụ đặt xe taxi không thể yêu cầu hành khách nói rõ hành trình của họ trước khi đặt chỗ. Bởi vì dù ngành công nghiệp taxi chia sẻ rằng biết trước hành trình của hành khách có thể khuyến khích các lái xe chấp nhận đặt chỗ, song lại có những lo ngại rằng một số lái xe taxi có thể "kén chọn" hành khách và tránh những lệnh đặt xe đến một số hành trình. LTA vì thế đã quyết định hành khách được quyền quyết định có muốn cung cấp thông tin về hành trình hay không.
Đại diện dịch vụ Uber cho biết họ "vui mừng chào đón tuyên bố của LTA khi đưa ra khung quy định mới cho các ứng dụng đặt chỗ taxi của bên thứ ba". Mike Brown, giám đốc điều hành của Uber ở khu vực Đông Nam Á, nói "đây là tin tốt lành cho các công dân Singapore và du khách đến Singapore, và đặc biệt là với các lái xe taxi".
Trang Channel News Asia cho biết một nhà phân tích nói rằng phương pháp quản lý trên của Singapore cho thấy những dịch vụ như Uber hiện được xem là một ngành kinh doanh hợp pháp tại đây. Tiến sỹ Park Byung Joon, giám đốc chương trình quản lý vận tải đô thị tại trường Đại học SIM, nói: "Gần đây, có nhiều tranh cãi về loại hình dịch vụ như Uber là hợp pháp hay bất hợp pháp. Vì thế, người ta chưa thể biết chính xác liệu các lái xe taxi và người dân có nên đăng ký dùng dịch vụ này. Thậm chí với nhà đầu tư, liệu có nên đầu tư vào loại hình kinh doanh này? Giờ đây, điều quan trọng nhất với khung pháp lý mới là các dịch vụ ứng dụng đặt chỗ taxi như Uber đã được xem là ngành kinh doanh hợp pháp".
Tiến sỹ Park cho rằng dù khung pháp lý mới được đưa ra nhằm bảo vệ hành khách, nhưng nó cũng là sự cần thiết để bảo vệ ngành công nghiệp taxi, các lái xe – đặc biệt nếu các ứng dụng đặt taxi thứ 3 tiếp tục phát triển mạnh. Ông cho rằng các hãng taxi có thể cần xem xét nâng cấp ứng dụng đặt chỗ của họ để có thể cạnh tranh.